Chảy nước mắt sống: nguyên nhân, phòng ngừa và điều trị

chảy nước mắt sống

Chảy nước mắt sống là tình trạng nước mắt tự chảy ra không kiểm soát được, có thể chảy nước mắt một bên trái hay phải, hoặc cả hai bên. Tình trạng này thường đi kèm biểu hiện mờ mắt, đổ ghèn, sưng đỏ.

Chảy nước mắt sống là gì?

Chảy nước mắt sống là tình trạng nước mắt tự chảy ra liên tục không thể kiểm soát. Bình thường nước mắt được sinh ra sẽ chảy về góc trong mắt, sau đó được dẫn vào lệ đạo rồi thoát xuống mũi và miệng, không chảy ra ngoài.

Khi bị tắc lệ đạo, nước mắt không thoát được sẽ tràn ra ngoài từ góc mắt, hiện tượng này gọi là chảy nước mắt sống. Nước mắt bị tắc tại lệ đạo lâu ngày sinh ra nhiễm khuẩn, viêm lệ đạo.

Viêm lệ đạo thường xuất hiện các triệu chứng đau nhức, xuất hiện mủ nhầy ở góc trong mắt. Trẻ em bị bệnh có triệu chứng sốt, quấy khóc và hay dụi tay lên mắt.

Tuỳ vào nguyên nhân mà tình trạng chảy nước mắt sống sẽ diễn biến khác nhau. Trường hợp chảy nước mắt sống do khô mắt, tình trạng này sẽ tự biến mất sau vài ngày.

Những nguyên nhân gây chảy nước mắt sống

infographic nguyên nhân chảy nước mắt sống

Tình trạng chảy nước mắt sống xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm:

Tắc lệ đạo

Tắc lệ đạo là nguyên nhân phổ biến gây chảy nước mắt sống. Bình thường, sau khi nước mắt làm nhiệm vụ dưỡng ẩm và làm sạch bề mặt nhãn cầu sẽ được thoát về phía trong góc mắt rồi theo đường lệ đạo chảy xuống mũi. Khi lệ đạo bị tắc, nước mắt không thoát được bị chảy tràn ra ngoài.

Tình trạng tắc lệ đạo thường không rõ nguyên nhân, có thể bẩm sinh hoặc do chấn thương mắt, viêm xoang, hoặc các bệnh lý viêm nhiễm ở mắt như viêm kết mạc, mắt hột… phụ nữ dễ mắc hơn nam giới.

Tắc lệ đạo kéo dài gây đau nhức, viêm nhiễm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng, cần được thăm khám bác sĩ để kịp thời điều trị.

Mắt bị nhiễm trùng

Khi mắt bị nhiễm trùng, phản ứng tự nhiên của cơ thể là chảy nước mắt để giữ ẩm và rửa sạch các vi khuẩn, dịch nhày trên mắt. Viêm kết mạc và viêm bờ mi là hai loại nhiễm trùng thường gặp gây chảy nước mắt sống.

Mắt bị dị ứng

Các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, chất ô nhiễm, gió, phấn hoa, lông vật nuôi… có thể khiến mắt bị kích ứng, ngứa, đỏ, dẫn đến chảy nước mắt. Dị ứng mắt thường xảy ra vào mùa, dễ gặp ở người có cơ địa dị ứng. Điều trị mắt dị ứng bằng thuốc kháng histamin.

Khô mắt

Khi mắt bị khô, phản ứng tự nhiên của cơ thể sẽ tiết ra nhiều nước mắt hơn để giảm tình trạng khô mắt. Nước mắt tiết ra nhiều hơn khiến tuyến lệ đạo bị “quá tải”, không kịp thoát hết nước mắt, khiến nước mắt tràn ra ngoài.

Hội chứng thị giác màn hình

Người thường xuyên phải làm việc với máy tính dễ bị mắc hội chứng thị giác màn hình, có biểu hiện như nhức mỏi mắt, khô mắt, nhìn mờ, sợ ánh sáng và chảy nước mắt sống.

Khi bị hội chứng này cần để mắt nghỉ ngơi, sử dụng nước mắt nhân tạo để làm giảm các triệu chứng khó chịu, bật bộ lọc ánh sáng xanh trên máy tính và điện thoại, sử dụng kính chống ánh sáng xanh để bảo vệ mắt trước tác hại của ánh sáng xanh từ màn hình máy tính.

Đeo kính áp tròng bẩn hoặc hết hạn sử dụng

Kính áp tròng sử dụng lâu ngày không được vệ sinh hoặc đã hết hạn tiềm ẩn nguy cơ chứa loại ký sinh trùng Acanthamoeba. Đây là loại ký sinh đơn bào thường được tìm thấy trong môi trường ẩm nước như nước máy, bụi, nước biển và bể bơi.

Sử dụng kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng Acanthamoeba có nguy cơ bị loại ký sinh này tấn công, chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh và ăn mòn bề mặt giác mạc. Mắt thường có triệu chứng ngứa, rát, chảy nước mắt sống, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phồng mí và đau nhức.

Các nguyên nhân khác

Các nguyên nhân ít phổ biến hơn thường thấy là:

  • Liệt dây thần kinh VII: lệ đạo bị chi phối bởi nhánh thành kinh VII, khi bị liệt dây thần kinh VII sẽ gây hở mi và chảy nước mắt sống. Trường hợp này cần điều trị hở mi để tránh loét giác mạc.
  • Tật ở mi mắt: thừa da mi, sẹo mi, mỡ quanh hốc mắt làm cho điểm lệ không nằm trong hồ lệ (nơi động nước mắt) nên không hút được nước mắt. Trường hợp này cần phẫu thuật mi, lấy mờ thừa, đưa điểm lệ về đúng vị trí.

Chảy nước mắt sống ở người già và trẻ nhỏ

Hiện tượng chảy nước mắt sống có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở đối tượng người già trên 60 tuổi và trẻ em dưới 12 tháng tuổi.

Nguyên nhân được cho là lệ đạo của trẻ nhỏ chưa được phát triển hoàn thiện, trong khi lệ đạo của người cao tuổi gặp phải tình trạng lão hoá khiến nước mắt không thoát được.

Tình trạng lão hoá khi về già làm giảm khả năng trương lực của túi lệ. Bình thường túi lệ có khả năng co bóp tốt tạo lực hút nước mắt. Khi về già tình trạng lão hoá khiến khả năng co bóp giảm đi, khiến nước mắt không được hút hết. Trường hợp này người bệnh cần day vùng túi lệ, tạo áp lực làm thông thoáng chỗ tắc.

Phương pháp day túi lệ làm thông lệ đạo

tắc lệ đạo

Thao tác day túi lệ: đặt ngón trỏ lên trên điểm giữa lệ quản để ngăn dịch tràn ra từ túi lệ. Miết ngón tay dọc sống mũi qua túi lệ về phía ống lệ mũi. Miết liên tục mỗi lần từ 10 đến 15 cái. Một ngày nên làm từ 3 đến 4 lần.

Phòng ngừa và điều trị chảy nước mắt sống

Chảy nước mắt sống thường là vấn đề không quá nghiêm trọng nhưng cũng không thể chủ quan, đặc biệt bệnh gây nhiều khó chịu làm ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Chảy nước mắt sống ngoài nguyên nhân phổ biến do tắc lệ đạo, còn có thể là biểu hiện của một bệnh về mắt khác. Vì vậy khi có biểu hiện chảy nước mắt sống, viêm nhiễm, người bệnh nên tới gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời.

Cần thực hiện các biện pháp bảo vệ mắt hàng ngày như đeo kính bảo hộ khi làm việc tiếp xúc với hoá chất, bụi độc hại; đeo kính khi đi bơi; đeo kính râm khi đi đường nhằm tránh gió, khói bụi ô nhiễm và tia cực tím; đeo kính chống ánh sáng xanh khi làm việc với máy tính, điện thoại.

Khám mắt định kỳ ít nhất một năm một lần. Ngoài ra có thể tự kiểm mắt tại nhà bằng các bài kiểm tra thị lực online.

Bài thuốc chữa bệnh chảy nước mắt sống theo đông y

Đông y cho rằng chứng chảy nước mắt sống do hai nguyên nhân là phong nhiệt xâm lấn bên ngoài và can nhiệt hoả bốc bên trong, xung khắc với nhau làm chảy nước mắt kèm theo triệu chứng đỏ, sưng đau, nóng, mờ mắt, miệng đắng. Để điều trị chứng này cần dùng phương pháp trừ phong, tả hoả, thanh can sáng mắt.

Bài 1: trường hợp chảy nước mắt sống, mắt sưng đỏ, đại tiện táo bón thì phải tả hoả, hành huyết, tiêu phong, tán ứ. Bài thuốc gồm sài hồ bắc 6g, xích thược 6g, xuyên khung 6g, bạc hà 6g, chỉ xác 9g, hoàng cầm 6g, hạ khô thảo 6g, sinh đại hoàng 12g, mộc tặc 9g, sinh địa hoàng 15g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: trường hợp chảy nước mắt sống, mắt có nhiều ghèn, sưng đỏ đau, miệng đắng do can hoả độc phải tả hoả, giải độc, thanh can sáng mắt. Bài thuốc gồm kim ngân hoa 15g, tang bạch bì 9g, hoàng cầm 9g, phòng phong 9g, cam thảo 3g, bồ công anh 15g, thiên hoa phấn 9g, kinh giới 9g, long đởm thảo 9g, chỉ xác 9g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 3: trường hợp chảy nước mắt sống, can thận đều hư, gặp gió bệnh càng trở nặng, vầng mắt không đỏ, không đau thì dùng cúc hoa 12g, câu kỷ tử 12g, ba kích 12g, nhục thung dung 9g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: trường hợp chảy nước mắt sống, đầu choáng váng, tâm phiền dễ nóng nảy, mắt đỏ phải làm mát gan, dẹp phong, tả hoả, giải độc dùng bài thuốc Long đởm tả can thang gia giảm, gồm long đởm thảo 6g, hoàng cầm 10g, sinh địa hoàng 15g, xa tiền tử 10g, linh dương giác phấn 0,6g, sài hồ bắc 10g, chi tử 10g, đương quy 10g, bồ công anh 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 5: trường hợp chảy nước mắt sống, nhìn mờ, mắt khô, ngứa, tròng mắt đỏ, khô miệng, phiền nhiệt do phong nhiệt âm hư có kiêm chứng ứ trệ, phải khu phong, thanh nhiệt, tư âm, hoạt huyết, sáng mắt, trừ màng mộng. Bài thuốc gồm sinh địa hoàng 15g, mật mông hoa 19g, thạch quyết minh 25g, tiêu bạch truật (bạch truật sao đen) 6g, tế tân 3g, hoàng cầm 10g, xích thược 10g, bạch chỉ 6g, hạ khô thảo 10g, xuyên khung 6g, cam thảo 5g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trả lời