8+ Nguyên nhân Gây Ngứa mắt và Cách Giảm ngay Cơn ngứa

ngứa mắt

Khi mắt bị ngứa và đỏ, chúng ta luôn tìm mọi cách để làm giảm bớt cơn ngứa. Tìm hiểu những nguyên nhân dưới đây giúp bạn điều trị đúng cách và tránh những biến chứng về mắt không mong muốn.

Những nguyên nhân phổ biến

Dị ứng

Ngứa mắt do dị ứng là một bệnh lành tính không nghiêm trọng. Bệnh thường gặp ở người có cơ địa dị ứng, đặc biệt người bị hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng.

Các tác nhân gây dị ứng bao gồm:

  • Phấn hoa
  • Lông vật nuôi như chó, mèo
  • Khói bụi, ô nhiễm môi trường
  • Thức ăn
  • Thuốc
  • Mỹ phẩm
  • Kính áp tròng

Dị ứng thường xảy ra theo mùa (gọi là viêm kết mạc dị ứng) đặc biệt vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết hanh khô hoặc ẩm ướt.

Ngứa mắt do dị ứng là bệnh lành tính, không nguy hiểm. Khi ngứa mắt không nên dụi mắt để tránh biến chứng gây xước giác mạc.

Để phòng ngừa bệnh, bạn nên hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, đồng thời có thể dùng các loại thuốc kháng dị ứng do bác sĩ khám và tư vấn.

Khô mắt

Khô mắt là bệnh phổ biến thường gặp ở người lớn tuổi, người có các bệnh lý tự miễn và đặc biệt những người phải thường xuyên tiếp xúc với màn hình kỹ thuật số từ máy tính, điện thoại.

Khô mắt thường biểu hiện ngứa mắt kèm các triệu chứng nóng, mỏi và nhìn mờ. Các tốt nhất để giảm thiểu cơn ngứa do khô mắt là cho mắt nghỉ ngơi, bổ sung nước mắt nhân tạo để duy trì độ ẩm, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử.

Viêm bờ mi

Viêm bờ mi là bệnh gây ngứa, sưng đỏ, chảy nước mắt sống, rụng lông mi và viêm giác mạc. Bạn cần vệ sinh bờ mi sạch sẽ, tránh sử dụng các loại mỹ phẩm cho mắt, nối mi, đồng thời sử dụng thuốc theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Mắt vướng dị vật

Do vô tình mắt có thể vướng các dị vật như khói bụi, côn trùng hoặc vật thể lạ gây ngứa và khó chịu. Trong trường hợp này bạn nên vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý nhỏ mắt hoặc nước mắt nhân tạo. Tránh dùng tay dụi mắt dẫn đến biến chứng xước và viêm loét giác mạc.

Trong trường hợp vướng vật thể lạ có kích thước lớn, nguy hiểm, không tự lấy ra được, cần tới gặp bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.

Kính áp tròng

Sử dụng kính áp tròng lâu ngày làm tăng nguy cơ dị ứng, khô và ngứa mắt. Để đảm bảo an toàn bạn cần sử dụng đúng theo chỉ dẫn, đúng hạn, vệ sinh tay sạch sẽ khi lắp và tháo kính.

Lưu ý người có tiền sử bị bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng cần thận trọng khi sử dụng kính áp tròng.

Viêm nhiễm

Ngứa mắt có thể là biểu hiện của mắt bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm.

Trường hợp là viêm kết mạc (đau mắt đỏ), mắt có biểu hiện ngứa và chảy nước mắt. Bạn cần cẩn thận vì bệnh dễ lây lan cho mọi người. Trường hợp viêm màng bồ đào, mắt có biểu hiện ngứa, rát, nhạy cảm ánh sáng.

Khi mắt bị ngứa do viêm nhiễm cần tới gặp bác sĩ để điều trị kịp thời, vì bệnh dễ gây các biến chứng suy giảm thị lực, tăng nhãn áp, đục thuỷ tinh thể.

Mỏi mắt

Mỏi mắt thường gặp do phải tập trung quan sát trong thời gian dài như lái xe đường dài, bác sĩ phẫu thuật… hoặc tiếp xúc thường xuyên liên tục với màn hình kỹ thuật số (hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số).

Để giảm thiểu ngứa mắt do mỏi mắt, bạn cần để mắt nghỉ ngơi. Khi làm việc tập thói quen chớp mắt đều, sử dụng kính chống ánh sáng xanh để tránh tác hại từ màn hình máy tính.

Thiếu chất

Trường hợp cơ thể thiếu nước, thiếu một số chất dinh dưỡng cũng dẫn tới tình trạng ngứa mắt. Để phòng ngừa bạn nên lưu ý uống đủ nước, ăn uống đủ chất, bổ sung các loại vitamin tốt cho mắt như vitamin A, C, dầu cá Omega 3.

Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác bao gồm:

  • Mụn lẹo mắt
  • Chấn thương mắt
  • Xuất hiện điểm vàng mí mắt
  • Viêm giả u hốc mắt
  • Viêm da cơ địa, bệnh chàm

Phòng ngừa và điều trị

Trường hợp ngứa mắt không rõ nguyên nhân, rất có thể bạn đang mắc một bệnh lý về mắt, hãy tới gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

Không được tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ, vì thuốc nhỏ mắt có thể gây bội nhiễm và tác dụng phụ.

Làm gì để giảm ngứa mắt do dị ứng

Người có cơ địa dị ứng cần lưu ý:

  • Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thức ăn cay nóng
  • Sử dụng kính bảo vệ gồm kính chống ánh sáng xanh khi làm việc, kính chống khói bụi và tia UV khi đi ra đường, kính bơi
  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
  • Không dụi mắt
  • Tránh xa các tác nhân gây kích ứng như lông chó mèo, phấn hoa, mỹ phẩm
  • Khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa nên hạn chế ra đường nếu có thể
  • Sử dụng khăn lạnh chườm mắt là phương pháp giúp nhanh chóng dịu cơn ngứa

Trả lời