Khô mắt: Kiến thức cần biết để phòng và điều trị hiệu quả

banner khô mắt

Khô mắt là căn bệnh phổ biến, gây khó chịu ở mắt làm ta mệt mỏi và suy giảm chất lượng cuộc sống. Bệnh mãn tính nên dễ tái phát, khó điều trị một cách dứt điểm. Người bị khô mắt nên trang bị kiến thức để hiểu rõ về bệnh, nhằm phòng ngừa, phối hợp điều trị và duy trì đôi mắt khoẻ mạnh.

Tổng quan

  • Khô mắt là bệnh rất phổ biến, ở các nước phát triển có đến 30% dân số mắc bệnh này, thường gặp nhất là chứng thị giác màn hình (mỏi mắt do tác hại của ánh sáng xanh khi sử dụng máy tính).
  • Bệnh không nguy hiểm nhưng không được chủ quan vì một số trường hợp có thể diễn biến nặng
  • Đây là bệnh mãn tính, thường lặp đi lặp lại, khó chữa dứt điểm nên chữa bệnh không bằng phòng bệnh.
  • Để phòng bệnh tránh tái phát và duy trì đôi mắt khoẻ mạnh, cần nắm rõ kiến thức bệnh.

Triệu chứng khô mắt

Biểu hiện chung [1] thường xảy ra ở cả hai mắt, bao gồm:

  • Cảm giác châm chích, bỏng rát, cộm ở mắt
  • Xuất hiện chất nhầy trên bề mặt mắt hoặc xung quang mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Mắt đỏ
  • Cảm thấy như có gì đó vướng ở mắt
  • Gặp khó khăn khi quan sát vào ban đêm
  • Chạy nước mắt sống – một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi mắt bị khô
  • Nhìn mờ hoặc mỏi mắt

Khô mắt ở mức độ trung bình: cảm giác cộm, rát, ngứa nhiều. Làm việc nhanh mỏi mắt.

Mức độ nặng: mắt đỏ nhiều, khó mở mắt, nhức, chớp mắt bị đau, khó làm việc bằng mắt, mắt nhiễm khuẩn, viêm, giảm thị lực.

Biểu hiện ở trẻ em: thường hay nheo mắt, dụi mắt.

Lưu ý: trong một số trường hợp khô mắt có thể là dấu hiệu bệnh lý mà bạn cần phải gặp bác sĩ ngay lập tức như rối loạn tự miễn hoặc chứng Lagopgthalmos

Tham khảo:

Nguyên nhân

Hai nguyên nhân [2] dẫn đến tình trạng khô mắt là: do sự thiếu hụt nước mắt hoặc suy giảm chất lượng nước mắt.

Thiếu nước mắt do cơ thể không thể sản xuất đủ nước mắt, y khoa gọi là chứng viêm kết mạc giác mạc (keratoconjunctivitis sicca). Nguyên nhân dẫn đến cơ thể giảm sản xuất nước mắt bao gồm:

  • Tuổi tác: tuyến lệ là cơ quan sản xuất nước mắt bị lão hoá
  • Do mắc một số bệnh lý như rối loạn tự miễn, thấp khớp, dị ứng
  • Do tác dụng phụ khi sử dụng thuốc
  • Sử dụng kính áp tròng hoặc mổ mắt lasik

Chất lượng nước mắt không tốt do rối loạn màng phim. Màng phim là một cơ quan bảo vệ mắt, bao gồm lớp mỡ giúp duy trì độ ẩm, lớp nước làm rửa sạch và sát trùng, lớp nhầy giúp phân bố nước mắt trên bề mặt giác mạc. Màng phim bị rối loạn khiến chất lượng nước mắt không tốt, nước mắt bốc hơi nhanh đồng thời lớp mỡ giảm khả năng giữ ẩm. Nguyên nhân gây rối loạn màng phim bao gồm:

  • Viêm bờ mi hoặc có bệnh lý mí mắt
  • Thói quen ít chớp mắt khi đọc sách hoặc sử dụng máy tính, hoặc bệnh lý parkinson
  • Dị ứng
  • Thời tiết hanh khô
  • Thiếu vitamin A

Đối tượng dễ mắc phải

Thống kê năm 2017 Việt Nam có khoảng 8 triệu người mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh độ tuổi 25-39 tuổi là 5-10%, tỷ lệ ở người trên 40 tuổi là 20-30%. Tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn và tỷ lệ ngày một tăng do tác động của môi trường.

Các đối tượng dễ mắc phải [2] được chia ra làm hai nhóm chính:

Nhóm truyền thống bao gồm:

  • Nữ giới, đặc biệt nữ giới do thay đổi hormone sau sinh, thời kỳ tiền mãn kinh.
  • Người trên 50 tuổi
  • Người mắc các bệnh lý tự miễn như Sjogren (tỷ lệ 100%), bệnh viêm khớp dạng thấp (tỷ lệ 25%), lopus ban đỏ, xơ cứng bì.
  • Người mắc tiểu đường, tuyến giáp, cao huyết áp, viêm da rosacea, parkinson.
  • Người bị viêm mi mắt.
  • Người sử dụng thuốc kháng Histamin, thuốc thông mũi, thuốc chống trầm cảm, lợi tiểu, điều trị cao huyết áp, thuốc tránh thai.
  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa chất bảo quản BAK trong thời gian dài.

Nhóm mới ghi nhận trong những năm gần đây:

  • Nhóm lao động ngành nghề đòi hỏi sự tập trung về mắt (bác sĩ phẫu thuật, lái xe đường dài…)
  • Người thường xuyên phải làm việc, tiếp xúc với các thiết bị điện tử như máy tính, TV, điện thoại.
  • Thường xuyên sinh hoạt trong phòng điều hoà.
  • Đeo kính áp tròng trong thời gian dài.
  • Thường xuyên phải trang điểm
  • Người sống trong môi trường ô nhiễm không khí, khói bụi
  • Người làm việc tiếp xúc với hoá chất
  • Người dễ bị dị ứng thời tiết, phấn hoa, lông thú…

Các đối tượng khác:

  • Người từng trải qua phẫu thuật về mắt, đặc biệt là phẫu thuật lasik (95% bị khô mắt sau phẫu thuật lasik, nên cân nhắc trước khi phẫu thuật mắt nếu bạn bị khô mắt).
  • Người ăn chay, có chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng, thiếu vitamin A và Omega 3,6
  • Người thường xuyên sử dụng rượu bia, hút thuốc lá.

Phòng ngừa và điều trị

Khô mắt là bệnh mạn tính, vì vậy rất khó có thể chữa khỏi dứt điểm, khô mắt không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến bệnh nặng, có nguy cơ giảm thị lực. Cách điều trị tốt nhất [3] là có kiến thức về bệnh để phòng ngừa, thực hành thói quen tốt để duy trì đôi mắt khoẻ mạnh, tránh bệnh tái phát.

  • Tập thói quen chớp mắt đều, đặc biệt lưu ý chớp mắt khi làm việc với máy tính.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, massage giúp làm ấm và lưu thông mắt.
  • Đeo kính khi đi ra đường để tránh khói bụi, gió, sử dụng kính chống tia UV.
  • Tránh gió lạnh (máy lạnh), gió quạt thổi trực tiếp vào mắt.
  • Bảo tồn nước mắt bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm không khí khi thời tiết hanh khô, nắng nóng, khi sử dụng máy lạnh.
  • Sinh hoạt lành mạnh, không thức khuya, ngủ đủ giấc
  • Không hút thuốc lá, tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Ăn uống đủ chất, bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, omega 3 và beta carotene.
  • Uống nhiều nước

Tập thói quen làm việc trước máy tính:

  • Ngồi xa màn hình máy tính tối thiểu một sải tay
  • Thường xuyên chớp mắt, nhắm mắt và xoay tròn mắt trong 10 giây để điều tiết chất nhờn.
  • Quy tắc 20-20-20: làm việc sau 20 phút hãy nhìn xa 2m trong 20 giây.
  • Sử dụng kính chống ánh sáng xanh khi nhìn màn hình điện thoại, máy tính.
  • Khám mắt định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị kịp thời (bạn có thể tham khảo cách tự kiểm tra thị lực tại nhà).

Khi nào cần đi gặp bác sĩ?

Bất cứ khi nào có triệu chứng khô mắt kéo dài trên một tuần, hoặc có các biểu hiện đau mắt, chảy nhiều nước mắt, rát ngứa, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng chói. Bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị khi bệnh nặng [4]:

  • Sử dụng contact lens duy trì độ ẩm
  • Lưu trữ nước mắt bằng phẫu thuật đóng điểm lệ, thắt nút điểm lệ
  • Sử dụng thuốc kích thích tạo nước mắt
  • Dịch sinh học thay thế nước mắt: chuyển dịch tuyến nước bọt, sử dụng huyết thanh tự thân.
  • Điều trị chống viêm: Cyclosporine, Cocticosteroids, Tetraciclines

Chọn & sử dụng nước mắt nhân tạo

Nước mắt nhân tạo là sản phẩm thường sử dụng trong điều trị bệnh khô mắt. Theo hiệp hội bệnh về mắt toàn cầu tại chương trình Dry Eye Workshop 2007 [5], sản phẩm nước mắt nhân tạo lý tưởng là:

  • Cho cảm giác dễ chịu sau khi nhỏ
  • Phân tán nhanh, không gây mờ nhoè quá lâu
  • Thời gian lưu trữ, duy trì độ ẩm lâu
  • Cải thiện triệu chứng ngay khi sử dụng
  • Trong trường hợp phải sử dụng lâu dài, trên 4 lần/ngày: không nên có chất bảo quản và chất co mạch (chất chống đỏ mắt).

Chọn sản phẩm nước mắt nhân tạo theo mức độ bệnh:

  • Sử dụng sản phẩm dạng nước khi bệnh nhẹ, gồm các triệu chứng cộm, ngứa, ít khi cảm thấy mờ mắt.
  • Sử dụng sản phẩm dạng keo khi bệnh ở mức độ trung bình, mắt cộm rát ngứa nhiều, làm việc nhanh mỏi.
  • Sử dụng dưới sự theo dõi và chỉ định của bác sĩ khi bệnh nặng, biểu hiện đỏ nhiều, khó mở mắt, khó làm việc bằng mắt.

Một số loại thuốc dùng trong điều trị khô mắt

Hiểu biết về một số loại thuốc [6] được dùng trong điều trị khô mắt giúp bạn phối hợp điều trị với bác sĩ và cẩn trọng hơn khi dùng thuốc, tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Nhóm sản phẩm bôi trơn, làm ẩm bề mặt nhãn cầu:

  • Polyethylene glycol và Propylene glycol
  • Sản phẩm dẫn xuất Cellulose
  • Thuốc chứa Glyserin
  • Sản phẩm chứa Sodium Hyaluronate
  • Sản phẩm chứa Polyvinil Alcohol

Thuốc kháng viêm: dùng trong điều trị khô mắt do viêm mắt. Gồm kháng viêm corticosteroid như: dexamethason, fluoromethason, prednisolon… và kháng viêm non-steroid (NSAID) như Diclophenac, Indomethacin…

Lưu ý khi dùng thuốc kháng viêm thời gian dài có thể gây tác dụng phụ viêm loét dạ dày và tá tràng, cao huyết áp. Thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid có thể làm tăng nhãn áp, đục thuỷ tinh thể.

Thuốc kháng sinh: dùng trong điều trị khô mắt do nhiễm khuẩn, bao gồm doxycyclin, erythromycin, cloramphenicol, neomycin, tobramycin, offloxacin, sulfocetamid, polymycin B…

Lưu ý không dùng thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh quá một tuần.

Nhóm vitamin và khoáng chất: bao gồm vitamin A, E, C, B2, kẽm, selenium có thành phần chống oxy hoá giúp ngăn ngừa khô mắt do lão hoá.

Thảm khảo:

[1], [3], [4] Dry eyes – Symptoms & causes | Diagnosis & treatment | Doctors & departments

[2] Dry eye disease: risk factors and selecting treatment

[5] Choice of Artificial Tear Formulation for Patients With Dry Eye

[6] Bệnh viện Mắt Trung Ương – thuốc điều trị khô mắt

Một suy nghĩ về “Khô mắt: Kiến thức cần biết để phòng và điều trị hiệu quả

Trả lời