Cận thị giả là tình trạng phổ biến thường gặp ở học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng. Cận thị giả có triệu chứng gần giống với tật cận thị, không nguy hiểm, dễ điều trị. Tuy nhiên do tâm lý chủ quan, người bệnh thường đo khám ở cửa hàng bán mắt kính mà không tới bệnh viện, không phát hiện ra bệnh khiến nhiều người phải đeo kính oan dù không mắc tật cận thị.
Cận thị giả là gì
Cận thị giả là tình trạng mắt và thị lực có những biểu hiện gần giống với tật cận thị, tình trạng này thực chất chỉ là những rối loạn tạm thời, sẽ tự biến mất sau khi mắt được nghỉ ngơi.
Y khoa định nghĩa về cận thị giả “Đó là sự chuyển thể tạm thời, không liên tục về mặt khúc xạ của con mắt sang tình trạng cận thị. Khi đó hình ảnh của vật nhìn thấy được hội tụ trước võng mạc, giống như tật cận thị nhưng do sự co thắt thoáng qua của cơ thể mi, làm tăng công suất khúc xạ của mắt.”
Tham khảo: Các bộ phận và chức năng hoạt động của mắt
Những rối loạn này ở hai dạng và thực thể và cơ năng. Thực thể là do hệ thần kinh phó giao cảm bị kích động quá mức. Cơ năng là do mệt mỏi thị giác hay khó chịu nhất thời của mắt. Tình trạng này thường gặp ở những người phải làm việc tập trung ở mắt trong thời gian dài liên tục, như học sinh sinh viên hoặc nhân viên văn phòng.
Khảo sát ở những người phải làm việc với sách vở hoặc máy tính liên tục trong thời gian 7 giờ, có khoảng 60% bị tật cận thị giả, ít nhất là -0.5SPH (cận 0,5 độ)
Nguyên nhân gây tật cận thị giả
Nguyên nhân gây cận thị giả là do mắt phải làm việc liên tục trong thời gian dài ở cự ly gần khiến mắt nhức mỏi, khô, chảy nước mắt sống, đau đầu, nhìn mờ.
Khi có biểu hiện mắt mờ, người bệnh chủ quan không tới khám tại các bệnh viện chuyên khoa về mắt để phát hiện đúng bệnh. Thay vào đó lại tới khám tại các cửa hàng kính thuốc khiến bị nhầm với tật cận thị.
Tình trạng đo khám tại các cửa hàng kính thuốc khiến người không mắc tật cận thị phải đeo kính, hoặc đeo kính không đúng độ, lâu dài khiến bệnh ngày càng nặng.
Đối với các bác sĩ chuyên khoa, việc chuẩn đoán và phát hiện cận thị giả không khó. Trong khi tại các cửa hàng kính thuốc, máy đo mắt khó có thể phát hiện chính xác tình trạng là giả hay thật. Hơn nữa kỹ thuật viên tại các cửa hàng mắt kính hầu hết không có đủ chuyên môn để phát hiện bệnh.
Hầu hết người mắc tật cận thị giả khi đo mắt tại các cửa hàng kính thuốc sẽ được chỉ định cắt kính dựa trên độ cận giả, khiến mắt lười điều tiết và phụ thuộc vào kính, dẫn đến tật cố hữu.
Triệu chứng cận thị giả
Cận thị giả thường có các biểu hiện rất giống với tật cận thị. Những người làm việc thường xuyên bằng mắt trong thời gian dài như học sinh sinh viên, nhân viên văn phòng có các biểu hiện như nhức mỏi mắt, khô mắt, chảy nước mắt sống, nhìn mờ thì rất có thể là triệu chứng của cận thị giả.
Triệu chứng của cận thị giả chỉ được phát hiện đúng bệnh khi người bệnh tới khám tại bệnh viên chuyên khoa mắt, nơi bác sĩ có chuyên môn có thể phát hiện dễ dàng.
Tại các cửa hàng bán mắt kính, trình độ chuyên môn của kỹ thuật viên cũng như việc đo khám bằng máy thường không thể phát hiện triệu chứng cận thị giả.
Để phát hiện cận thị giả, bác sĩ chuyên môn thường sử dụng thuốc điều tiết mắt. Trong khi hầu hết các cơ sở buôn bán mắt kính đều bỏ qua công đoạn này vì sợ “phiền hà”. Vì vậy khi đi khám thị lực, tốt nhất bạn hãy tới bệnh viện chuyên khoa và sẵn sàng nhẫn nại chờ đợi để được khám đúng bệnh.
Điều trị cận thị giả
Học sinh sinh viên sau mỗi mùa thi, hay nhân viên văn phòng chiếm tỷ lệ lớn trong các nhóm người mắc tật cận thị giả. Ngoài tình trạng mờ mắt, người bệnh còn cảm thấy nhức mỏi mắt, khô và chảy nước mắt sống.
Nhiều người mắt không có bệnh nhưng do phải tập trung làm việc và học tập trong một khoảng thời gian dài, khiến mắt mỏi, nhìn mờ, đi khám tại các cửa hàng bán kính mắt khiến phải đeo kính dù không hề mắc tật cận thị.
Chữa cận thị giả rất đơn giản nếu được bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời. Một số lưu ý khi điều trị cận thị giả:
- Nếu cận thị giả do làm việc liên tục ở khoảng cách gần, chỉ cần nhỏ thuốc nhỏ mắt kết hợp chế độ nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, mắt sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.
- Nếu cận thị giả ở mức độ nặng, người bệnh cần sử dụng kính chuyên dụng để giúp quá trình điều tiết ở mắt nhẹ hơn, đến khi mắt trở về trạng thái bình thường thì ngưng sử dụng kính.
- Áp dụng quy tắc 20-20-20 khi học tập và làm việc để mắt được nghỉ ngơi thường xuyên: sau mỗi 20 phút làm việc hãy dành 20 giây nhìn về xa tối thiểu 2m. Ngoài ra sau mỗi một vài tiếng hãy dành từ 5 đến 10 phút để nghỉ ngơi thư giãn.
- Khi làm việc hãy giữ khoảng cách tối thiểu một sải tay trước màn hình máy tính
- Sử dụng kính chống ánh sáng xanh và lọc ánh sáng xanh trên thiết bị máy tính, điện thoại.
- Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất tốt cho mắt như Brocco Phane, Beta Caroten, Lutein và Zeaxanthin, vitamin A, B, D, Omega… hoặc các loại thuốc bổ mắt uy tín
Cận thị giả là vấn đề không nghiêm trọng, không khó chữa nhưng nếu chủ quan và không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến tật cận thị thật. Phụ huynh khi có con em biểu hiện mỏi, mờ mắt nên tới bệnh viện khám để có kết quả chính xác.
Khi bị cận thị giả, hầu hết người bệnh không cần đeo kính mà chỉ cần cho mắt thư giãn bằng cách nghỉ ngơi, chăm sóc mắt, sau một thời gian ngắn mắt sẽ trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên một số trường hợp nặng, do đi khám ở cửa hàng bán kính khiến đeo kính sai độ, người bệnh cần đeo kính chuyên dụng để điều chỉnh dần về trạng thái bình thường.
Khám mắt định kỳ là cách tốt nhất để phòng ngừa và phát hiện chính xác các tật khúc xạ, nhằm đưa ra hướng điều trị kịp thời và hiệu quả.