Tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại vào ban đêm gây ra một loạt các vấn đề về sức khoẻ tinh thần như mất ngủ, lo âu, trầm cảm, do ánh sáng xanh gây rối loạn nhịp sinh học của cơ thể.
Ánh sáng xanh điện thoại gây rối loạn nhịp sinh học
Ánh sáng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp sinh học (chu kỳ giấc ngủ tự nhiên) của con người.
Chúng ta thức dậy được vào buổi sáng và đi ngủ đúng giờ vào buổi tối nhờ nhịp sinh học được duy trì ổn định.
Vào buổi sáng, ánh sáng xanh gửi tín hiệu qua mắt tới não bộ, giúp não nhận thức “ban ngày” và chúng ta thức dậy làm việc. Vào buổi chiều tối, ánh sáng xanh biến mất, cơ thể sản sinh ra melatonin – một hoạt chất gây cảm giác buồn ngủ giúp chúng ta ngủ ngon.
Tuy nhiên, ánh sáng xanh đã phá vỡ chu kỳ ổn định này. Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại khiến mắt tiếp nhận tín hiệu “ban ngày” dù đã là đêm, khiến não bộ tiếp tục thúc đẩy cơ thể tỉnh táo để làm việc.
Hơn nữa ánh sáng xanh ức chế quá trình sản xuất melatonin, khiến chúng ta không có cảm giác buồn ngủ và không ngủ được.
Quá trình này diễn ra thường xuyên gây rối loạn nhịp sinh học, não bộ không nhận thức được giữa ngày và đêm.
Trầm cảm do rối loạn nhịp sinh học
Khi mắc chứng rối loạn nhịp sinh học, chu kỳ ngủ tự nhiên bị phá vỡ. Người bệnh không thể ngủ được vào ban đêm như bình thường, bắt buộc phải ngủ bù vào ban ngày. Điều này trái ngược với quy luật tự nhiên.
Thói quen thức đêm ngủ ngày dẫn tới một loạt các hệ luỵ như không được tỉnh táo, ăn uống thất thường, giấc ngủ ban ngày bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn. Người bị rối loạn nhịp sinh học lâu ngày trở nên mệt mỏi và cáu gắt, hạn chế các mối quan hệ xã hội và gia đình, dẫn tới lo âu và trầm cảm.