Giảm thị lực khi mang thai và sau sinh

nhìn mờ giảm thị lực sau sinh

Quá trình mang thai và sinh nở gây ảnh hưởng rất nhiều lên cơ thể người phụ nữ. Đau đầu, nhức mỏi cơ bắp, phù nề cùng với suy giảm thị lực là những triệu chứng hết sức phổ biến.

Triệu chứng

Suy giảm thị lực là biểu hiện phổ biến do các thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai. Biểu hiện thường không đáng lo ngại, trong một số trường hợp có thể là dấu hiệu của bệnh lý các bà mẹ cần biết.

Quá trình thay đổi thị lực ở người mẹ:

  • Sáu tháng đầu: phụ nữ thường ít có sự thay đổi thị lực trong khoảng sáu tháng đầu mang thai. Nếu có sự thay đổi, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn.
  • Ba tháng cuối mang thai đến ba tháng đầu sau sinh: Nhiều bà mẹ sẽ có triệu chứng như khô mắt, nhìn mờ và một số thay đổi khác. Tình trạng khô mắt là do sự thay đổi nội tiết tố làm giảm tiết nước mắt, biểu hiện nhìn mờ là do mắt tích nước làm thay đổi độ cong nhãn cầu. Ngoài những biểu hiện này, bạn nên tới gặp bác sĩ chuyên môn.

Các biểu hiện thường gặp khác:

  • Thị lực không ổn định: nhìn lúc mờ lúc rõ, tình trạng nhìn mờ xuất hiện một lúc rồi biến mất. Khi gặp tình trạng này rất có thể sự rối loạn hormone làm thay đổi hình dạng và độ dày giác mạc.
  • Khó quan sát, phải nheo mắt, tập trung một lúc mới nhìn rõ, một thời gian gây đau đầu.
  • Hoa mắt chóng mặt: có thể do sự thay đổi hormone gây ức chế hoạt động ở mắt
  • Nổ đom đóm mắt, đau nửa đầu: có thể do hormone thai kỳ gây giãn nở mạch máu não
  • Song thị: nhìn thành hai hình
  • Chói mắt ban đêm, nhạy cảm với ánh sáng
  • Nhìn thấy tia chớp, hình nổi: do gắng sức trong quá trình sinh nở, rất có thể bạn bị xuất huyết võng mạc và hoàng điểm làm giảm thị lực

Nguyên nhân

Những nguyên nhân phổ biến do các thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai bao gồm:

  • Giảm tiết nước mắt: hormone thai kỳ ảnh hưởng tới khả năng tiết nước mắt, gây khô và mờ mắt.
  • Tích nước ở mắt: hormone thai kỳ gây tích nước, sưng phù ở các bộ phận cơ thể như bàn chân, mắt cá chân và cả ở mắt. Điều này làm gia tăng áp lực lên mắt, làm thay đổi độ cong nhãn cầu và làm giảm thị lực.
  • Sự suy giảm hệ miễn dịch: cơ thể điều chỉnh hệ miễn dịch để bảo vệ phôi thai, điều này tốt cho bé nhưng ảnh hưởng tới người mẹ, khiến mẹ dễ mắc viêm nhiễm ở mắt.
  • Nám mí: là tình trạng tích tụ sắc tố quanh mắt, gây nám mí, làm cản trở tầm nhìn.

Một số nguyên nhân do bệnh cần lưu ý đề phòng:

  • Tiểu đường thai kỳ: là trường hợp nguy hiểm đáng lưu ý. Tình trạng này có nguy cơ làm hỏng mạch máu trong võng mạc, gây rò rỉ máu và chất lỏng khác, làm sưng mô võng mạc dẫn đến mắt mờ, đục, gọi là bệnh võng mạc tiểu đường.
  • Cao huyết áp: tăng huyết áp làm giảm thị lực, ở mức độ nặng có thể gây tiền sản giật.
  • Tiền sản giật & sản giật: do tình trạng cao huyết áp gây ra, nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Biểu hiện mắt mờ kèm xuất hiện hình ảnh lốm đốm.
  • U tuyến yên: là trường hợp hiếm gặp, gây ức chế hoạt động bình thường của hormone trong cơ thể, gây ảnh hưởng tới thị giác.

Điều trị

Suy giảm thị lực là tình trạng phổ biến, thường sẽ tự cải thiện theo thời gian, bác sĩ sẽ không chỉ định điều trị. Ở mức độ nhẹ như khô mắt, chỉ cần dùng nước muối sinh lý hoặc các loại thuốc nhỏ theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp mắt mờ mắt kéo dài, cần tới bác kiểm tra để có hướng điều trị cụ thể bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Trường hợp tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, bạn nên đi khám và tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, để bảo vệ và giữ gìn đôi mắt, bạn cũng nên tập những thói quen:

  • Không dụi mắt
  • Thường xuyên cho mắt nghỉ ngơi
  • Sử dụng kính bảo hộ chống nắng, chống tia UV và khói bụi khi đi ra đường, kính chống ánh sáng xanh khi làm việc với máy tính, điện thoại.
  • Giữ gìn vệ sinh mắt, sử dụng thuốc nhỏ mắt phù hợp.
  • Bổ sung omega 3,6,9

Lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt

Hầu hết thuốc nhỏ mắt an toàn cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên bạn cũng nên cẩn trọng, dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định thuốc nhỏ mắt gây hại cho mẹ và thai nhi, nhưng thuốc nhỏ mắt có tác dụng lên thần kinh, do đó nó được khuyến cáo chỉ nên sử dụng khi thực sự cần thiết.

Ngoài ra, dù thuốc nhỏ mắt không kê đơn là vô hại nhưng nó có thể chứa thành phần gây dị ứng. Do đó, bạn hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ nào.

Trả lời